Trong tiến trình thích ứng linh hoạt, an toàn dịch COVID-19, theo chuyên gia y tế dự phòng, việc Hà Nội ghi nhận các chùm ca bệnh cộng đồng mới những ngày qua là vấn đề đã nằm trong dự báo.
Liên tục có các ổ dịch mới, phức tạp
Chiều 5/11, ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết từ khi thực hiện Nghị quyết 128, số ca nhiễm trên địa bàn Hà Nội gia tăng, đặc biệt số ca ngoài cộng đồng. Từ ngày 11/10 đến hôm nay Thủ đô ghi nhận 738 ca mắc, trung bình mỗi ngày có 31 ca; trong đó có 228 ca ngoài cộng đồng (chiếm khoảng 30%).
Từ ngày 28/10 đến 4/11, số ca mắc tăng cao từ 33 đến 104 ca/ngày và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp.
Từ ngày 24/10 đến nay, Hà Nội ghi nhận tới 10 chùm ca bệnh (ổ dịch) phức tạp. Trong đó có những ổ dịch vượt 100 ca như ổ dịch tại huyện Quốc Oai với 141 ca (từ 24/10); tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã ghi nhận 122 ca (từ 27/10);
Ngoài ra một số ổ dịch tiếp tục ghi nhận sự gia tăng ca mắc như chùm ca bệnh tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; chùm ca bệnh tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai; chùm ca bệnh tại đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm…
Cao điểm ngày 4/11, Hà Nội ghi nhận thêm 3 chùm ca bệnh mới, đó là chùm ca bệnh tại đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình với 16 ca mắc; chùm ca bệnh tại Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình có 6 ca và chùm ca bệnh tại phường Phú La, quận Hà Đông có 9 ca.
Bên cạnh đó, thành phố đã ghi nhận 75 ca dương tính là người trở về từ các tỉnh có độ “nhiễm sâu” cao (như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương…) với 32 ca lây nhiễm thứ phát. Ngoài ra, Hà Nội còn ghi nhận một số ca mắc đến từ các tỉnh khác (như Hà Giang, Nam Định, Hà Nam…).
Mầm bệnh vẫn luôn tồn tại trong cộng đồng
Xét về tổng thể, Hà Nội đang cơ bản kiểm soát được dịch trên toàn thành phố. Tuy nhiên bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhận định Thủ đô vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới khi không ít người về từ vùng dịch chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát.
Nhìn nhận mầm bệnh vẫn luôn tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca dương tính còn lẩn khuất mà chưa được phát hiện, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết đã có sự chủ quan của một bộ phận người dân không thực hiện tốt 5K (đặc biệt người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine), đa số hoạt động kinh tế – xã hội trở về trạng thái bình thường mới…
Trong tiến trình thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128, theo chuyên gia y tế dự phòng, việc Hà Nội ghi nhận các chùm ca bệnh trong cộng đồng những ngày qua là vấn đề đã nằm trong dự báo. Tới đây, nguy cơ phát sinh các ổ dịch lây nhiễm phức tạp, các ca bệnh không rõ nguồn lây vẫn luôn có thể xảy ra.
“5K” để bảo vệ bản thân và cộng đồng, đặc biệt người chưa được tiêm chủng
Trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chiến lược chống dịch của Hà Nội trong tình hình mới hiện nay là không phong tỏa trên diện rộng mà thu hẹp nhất ở mức có thể.
Đẩy mạnh công tác truy vết, xét nghiệm để khoanh vùng, cách ly nhanh nhất các ổ dịch, Hà Nội liên tục phát đi khuyến cáo quan trọng về ý thức của mỗi người dân trong việc tuân thủ nguyên tắc “5K”. Điều này vừa bảo vệ bản thân họ, vừa bảo vệ những đối tượng chưa được tiêm chủng, trong đó có một số người mắc bệnh nền nặng, trẻ em và người mới được tiêm phòng 1 mũi.
Ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, cùng với nguyên tắc “5K”, người dân vẫn nên hạn chế tối đa đến những nơi đông người. Khi phải đi đến trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bến tàu, nơi công sở…, người dân cần thực hiện quét mã QR theo đúng khuyến cáo, thực hiện khai báo y tế để thuận tiện cho việc truy vết khi phát hiện F0.
Theo yêu cầu của Giám đốc Sở Y tế, các địa phương cần tăng cường quản lý giám sát và lấy mẫu người về từ các địa phương khác, đặc biệt có yếu tố dịch tễ liên quan và từ các tỉnh có dịch trở về. Những người này cần thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, tự giám sát, theo dõi sức khỏe tại nhà…